Thổ cẩm - Tìm hiểu về chất liệu Thổ cẩm DEC TEAM

Chúng ta có đến 54 dân tộc với các kiểu trang phục truyền thống khác nhau tạo nên điểm đặc trưng từng vùng miền và sự phong phú của thời trang Việt. Đặc biệt nhất chính là những sắc màu rực rỡ bởi những họa tiết vải thổ cẩm.
 

Khái niệm 

 
Thổ cẩm là một loại vải tự dệt thủ công, được tạo nên bởi những dân tộc ít người. Nó rất giàu họa tiết đặc trưng của vùng miền, được tạo ra bằng các phương pháp truyền thống. Các họa tiết này thường nổi lên trên bề mặt vải giống như được thêu, thực chất là được làm ra ngay trong quá trình dệt vải.Ở Việt Nam, vải thổ cẩm khá đặc trưng và phổ biến ở các vùng núi phía Bắc và các vùng Tây Nguyên, Ninh Thuận. Các sản phẩm chỉ đơn giản là quần áo, váy, túi xách, ví cầm tay hay khăn mà thôi. Hiện nay, phát triển thêm cả những sản phẩm như khăn trải bàn, chăn - ga - gối, giày hài… Đó cũng là những món quà rất được ưa chuộng của những vị khách du lịch (cả trong nước và nước ngoài) khi đến với những miền đất vùng cao nước ta. Và thực ra người Kinh cũng có vải thổ cẩm đặc trưng riêng, nhưng nó mỏng và ít họa tiết hơn.Không phải chỉ ở mỗi Việt Nam mới có chất liệu thổ cẩm, mà ở các nước như Lào, Thái Lan, Campuchia đều có. Bởi các nước đó cũng chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Đông Nam Á.
 

Đặc điểm của vải thổ cẩm

 
Đặc điểm của vải thổ cẩm
Mỗi tấm vải thổ cẩm đều như một tác phẩm nghệ thuật, vô cùng tỉ mỉ, công phu trong thiết kế
 
Có thể nói mỗi tấm vải thổ cẩm đều như một tác phẩm nghệ thuật, vô cùng tỉ mỉ, công phu trong thiết kế.
 
- Nguyên liệu : nguồn nguyên liệu chủ yếu cho vải thổ cẩm đến từ cây lanh, gai hoặc bông.
- Các hoa văn, họa tiết được dệt trên vải thổ cẩm sẽ thể hiện nét đặc trưng truyền thống, biểu tượng của từng dân tộc. Có thể là vẻ đẹp núi rừng thiên nhiên, vẻ đẹp của chim muông, thú vật được tạo hình rất tỉ mỉ trong từng ô vuông nhỏ trên vải rất cân đối, hài hòa. Màu sắc các họa tiết có thể rực rỡ, có thể tạo cảm giác hoang sơ huyền bí. Tất cả điều đó thể hiện quan niệm, nhân sinh quan của từng dân tộc.
- Màu nhuộn vải đều được lấy từ cây rừng thiên nhiên, như cây tràm, cây nghệ, …không chút pha trộn của màu hóa học. Do vậy mà những tấm vải khi được nhuộn lên khá bị cứng và hơi thô, thậm chí dễ bị phai màu. Có lẽ đây chính là nhược điểm của vải thổ cẩm.
 
Bản sắc văn hóa đặc trưng của các dân tộc
 
- H’Mông: Họa tiết vải thổ cẩm của người H’Mông có đường diềm trang trí bao quanh các ô hình chữ thập, chữ đinh hoặc chữ công được chuyển biến một cách đa dạng kết hợp với các ô hình quả trám hoặc tam giác có các đường viền hình gẫy khúc.
 
- Chăm, H’re: Họa tiết trang trí trên vải thổ cẩm của dân tộc Chăm và người H’re thường có dạng hình học, trang trí nối tiếp nhau với chủ yếu hai màu là đen và đỏ. Có khi được cách điệu thành hình thiên nhiên, chim thú…
 
Họa tiết thổ cẩm dân tộc Chăm
Họa tiết trang trí trên vải thổ cẩm của Người Dao, kỹ thuật thêu của họ cũng rất đặc biệt
 
- Dao: Người Dao thích màu sắc rực rỡ hơn cho phần thêu của mình, đặc biệt là những sản phẩm như khăn hay phần cổ áo, ngực áo họ sẽ chọn màu đỏ tươi. Kỹ thuật thêu của họ cũng rất đặc biệt, thêu thưa để lộ nền đen ( hoặc nền màu chàm), để tạo độ chuyển sắc êm, hài hòa, không bị chói quá.
 
- Bana: Họa tiết trang trí vải của dân tộc Bana là những hình đối xứng, mô phỏng thiên nhiên, vũ trụ, quan niệm âm dương, trời đất hoặc đời sống sinh hoạt của con người nơi đây. Màu sắc chủ yếu là đen, đỏ và trắng.
 
- Tày: Cách trang trí hoa văn của người Tày là những hình quả trám có các đường viền xung quanh. Họ sử dụng hoa văn đơn màu trên nền vải.  
 
- Nùng: Người Nùng có nghệ thuật dệt thổ cẩm gần giống như người Tày. Ngoài ra, có thêm điểm khác là họ đắp vào ống tay áo, vạt áo với những màu sắc khác với thân áo. Ở giữ áo các ô vuông trang trí đối xứng quay quanh một điểm trung tâm,  tạo cảm giác vui mắt.
 
 
- Thái: Thổ cẩm của người Thái thường tạo ấn tượng khá mạnh. Họ dùng các màu như trắng, đỏ, vàng, xanh lá cây, tím… để trang trí các họa tiết đối xứng nhau. Qua đó truyền tải quan niệm cuộc sống của họ về sự trường tồn của thiên nhiên, vũ trụ, triết lý âm dương…
 
- Cơtu: Họa tiết hoa văn trang trí của dân tộc này rất tự nhiên, đơn giản và mộc mạc. Đó là những đường nét đậm nhạt mờ ảo như mây, sóng. Có thể được tạo nên theo từng mảng, từng vệt hoặc dàn trải.
 
Áo dài mang họa tiết thổ cẩm
Họa tiết hoa văn trang trí thổ cẩm cách điệu cho áo dài
 
- Mường: Trang trí thổ cẩm của người Mường mang đậm bản sắc hoa văn núi rừng, thiên nhiên… Đó là những hình cách điệu từ hoa dẻ, hoa hồi, hạt gấc, quả trám… thể hiện tình yêu thiên nhiên, đất trời và cuộc sống của con người nơi đây.
 
 

Nguồn gốc ra đời của chất liệu thổ cẩm

 
Mặc dù xuất hiện đã rất lâu đời, tạo nên nền văn hóa bản sắc của các dân tộc ta nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa khẳng định được nghề làm thổ cẩm ra đời từ bao giờ. 
Chỉ biết rằng, bất cứ cô gái Tây Nguyên hay rừng núi nào, cũng được học cách dệt thổ cẩm truyền thống. Các cô gái sẽ ra sức may bằng được những bộ váy đẹp nhất cho mình và gia đình khi đi lễ hội, cưới xin và xuống chợ.
 

Dệt thổ cẩm

 
Thổ cẩm được dệt hoàn toàn thủ công nên người ta phải chuẩn bị hết mọi công đoạn để tạo ra được một sản phẩm thổ cẩm tốn rất nhiều thời gian và công sức. 
Bởi nguyên liệu chính để làm nên chất liệu thổ cẩm là bông và sợi lanh nên những người phụ nữ vùng cao phải trồng bông và lanh để thu hoạch sợi. Ngoài ra, họ còn khái thác những loài cây khác như cây sui ( vỏ cây sui ) để kéo thành sợi, tạo nên các sản phẩm phong phú khác nhau. 
Họ kéo sợi rồi dệt vải qua một trong hai loại khung: khung dệt dạng tấm ( dệt ra khăn, áo,…) và khung dệt dạng dải ( dệt ra dây lưng, ca-vát,…). Độ chặt - lỏng, cứng - mềm sẽ phụ thuộc vào ý thích của người dệt.
 
Khung dệt vải thổ cẩm
Khung dệt vải thổ cẩm truyền thống
 
Màu nhuộm thổ cẩm được tạo ra từ nhiều chất liệu thiên nhiên để có những màu sắc phong phú khác nhau:
 
- Màu đen: được điều chế từ lá chùm bầu với bùn non, ngâm trộn từ năm đến bảy ngày.
- Màu chàm: từ cây chàm.
- Màu nâu hoặc màu đỏ sẫm lấy từ các loại vỏ cây.
- Màu đỏ: từ vỏ cây krung già.
- Màu xanh: nung từ vỏ ốc suối thật khô, ngâm thành vôi rồi trộn với nước lá krum.
- Màu vàng: nhuộm từ củ nghệ.
 

Chất liệu thổ cẩm trong thời trang

 
Họa tiết thổ cẩm trong thời trang rất phong phú, đa dạng và ấn tượng. Giờ đây, không chỉ quen thuộc với các dân tộc ít người mà còn rất thân thuộc với tất cả mọi người, đặc biệt là sựu săn đón của các bạn trẻ. Không thể chất hơn khi sở hữu những món đồ thổ cẩm mạnh mẽ, cuốn hút.Chất liệu thổ cẩm mang đến cho bạn mặc một phong cách thời trang phóng khoáng, gần gũi với thiên nhiên, mang hơi thở của tinh thần tự do. Bản thân chất liệu thổ cẩm đã gây ấn tượng mạnh về màu sắc, họa tiết nhưng nếu bạn để ý kĩ hơn thì những họa tiết, màu sắc ấy đi theo những quy luật riêng của nó, điều đó lại càng tạo thêm vẻ ấn tượng cho bộ trang phục thổ cẩm.
 
Năm 2017, nhà thiết kế Minh Hạnh đã đại diện cho các dân tộc anh em của Việt Nam giới thiệu bộ sưu tập chất liệu vải thổ cẩm mang tên "Hơi thở từ núi rừng Việt Nam" đến với kinh đô thời trang Pháp (trung tâm Paris).  BST mang vẻ đẹp tinh tế của thời trang Việt được đánh giá rất cao, ấn tượng và đẹp mắt.
    
BST vải thổ cẩm Việt
 
Vải thổ cẩm Việt
 
BST vải thổ cẩm NTK Minh Hạnh
 
Thiết kế vải thổ Cẩm của NTK Minh Hạnh
BST chất liệu vải thổ cẩm mang tên “Hơi thở từ núi rừng Việt Nam” của NTK Minh Hạnh tại Paris
 
Túi xách thổ cẩm, đó là một sự lựa chọn tuyệt vời cho những ai có cá tính mạnh mẽ, muốn khác biệt với số đông những người còn lại. Tuy vậy nó lại khá kén chọn khách hàng vì không phải ai cũng có thể cẩm nhận hết toàn bộ vẻ đẹp của nó. Trước khi chọn mua túi bạn cần xác định dùng nó trong dịp gì, tránh sự quá sặc sỡ trong những hoàn cảnh không phù hợp, làm giảm vẻ đẹp tinh tế của những họa tiết thổ cẩm trên túi. Nhưng nếu bạn chọn đúng hoàn cảnh sử dụng thì nó sẽ là một nhân vật khiến ai cũng phải ngước mắt nhìn bởi sự độc đáo cuả nó và sự tinh tế của người dùng.
 
 Túi xách, giày thổ cẩm
Phụ kiện giày hay túi xách mang họa tiết thổ cẩm thực sự là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, cá tính và sành điệu
 
Còn giày thổ cẩm thì sao nhỉ? Nó thực sự là một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa với từng họa tiết thổ cẩm đó. Mang đầy đủ mọi sắc màu tinh tế và sự sành điệu trên đôi chân của bạn.
 
Cách bảo quản vải thổ cẩm
 
 Cách bảo quản vải thổ cẩm
Chất liệu vải thổ cẩm đòi hỏi khá tỉ mỉ, khéo léo và cẩn trọng trong khâu bảo quản và làm sạch
 
Chất liệu thổ cẩm được dệt thủ công truyền thống nên việc bảo quản hay làm sạch chúng đòi hỏi bạn khá tỉ mỉ, khéo léo và cẩn trọng. 
- Bởi chúng được nhuộn từ những sản phẩm từ thiên nhiên nên khi giặt bạn nên giặt nhẹ nhàng, không vò mạnh tránh sự bay màu. Đặc biệt không dùng thuốc tẩy cho vải thổ cẩm.
- Khi phơi bạn nên chọn nơi thoáng mát có bóng râm, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu vào màu vải.
- Khi cất giữ, bạn nên để ở những nơi khô ráo, tránh bị côn trùng cắn. Hạn chế việc là ủi, nếu cần thiết, bạn nên chọn chế độ ủi thấp và lộn trái khi ủi.
 
 
DEC Design Education sưu tầm & biên tập.
DEC: "Học để trở thành chuyên nghiệp"