Menu
Tin thời trang
Kinh doanh
Tin tức / Xu hướng
Haute couture 2018
Ready To Wear 2018
Bộ Hình Thời Trang
Thư viện
Vật liệu
Phong cách thời trang
Màu sắc
Trang phục
Phụ kiện
Thương hiệu
NTK nổi tiếng
1001 khúc mắc
Học thiết kế thời trang
ĐIỀU NÊN ĐỌC!
Học viên ( Decer )
1.Khoá vẽ chì
2.Khoá vẽ màu
3.Khoá vẽ trên ipad
4.Khoá cắt may
5.Khoá Draping
6.Khoá BRA-CORSET
7.Khoá TR-CUTTING
8.Khoá DRAPING TECHNIQUES
9.Khoá phối màu
10.Khoá trang trí
11.Khoá sáng tạo BST
12.Khoá Start-up thời trang
Liên hệ
Search
Go
Vải lụa - Tìm hiểu về vải lụa DEC TEAM
Published on
12/19/2018
Vải lụa là gì?
Vải lụa là
một loại vải mịn, mỏng được dệt từ các sợi tơ tự nhiên
. Các sợi tơ đó được lấy từ quá trình tạo kén của loài côn trùng như bướm, tằm, hoặc loài nhện... Vải lụa tốt nhất được dệt từ
tơ tằm
. Đặc trưng cho sự dịu dàng, nhẹ nhàng khi được làm từ những sợi tơ tự nhiên quý hiếm của những con tằm, tạo nên sự mềm mại và sang trọng cho người sử dụng.
Đặc điểm của vải lụa
Đặc điểm của vải lụa gồm các đặc tính và ưu nhược điểm của vải lụa. Sau đây chúng ta cùng đi tìm hiểu từng đặc điểm của vải lụa nhé.
Lụa là một loại vải mịn, mỏng được dệt từ các sợ tơ tự nhiên
Đặc tính của vải lụa
Đặc tính vật lý
- Sợi tơ lụa có mặt cắt ngang hình dạng lăng kính tam giác với các góc tròn. Vì vậy ánh sáng có thể rọi vào ở nhiều góc độ khác nhau khiến sợi tơ có vẻ óng ánh tự nhiên, tạo nên vẻ đẹp thẩm mỹ quan trọng của loại vải này.
- Bề mặt vải lụa mềm, mịn và mượt, sờ vào thấy mát tay không giống như các loại vải dệt từ sợi nhân tạo, đó chính là điểm đặc trưng của vải lụa.
Đặc tính hóa học
- Khả năng giữ nước: 11%
- Vải lụa có độ dẫn điện và dẫn nhiệt kém.
- Tơ lụa sẽ không bền khi phơi nhiều dưới nắng gắt. Rất dễ bị sâu bọ xâm nhập khi để bẩn.
- Tan trong sulphuric acid nhưng không tan trong mineral acid.
- Dễ bị đổi màu vàng bởi mồ hôi.
Đặc tính cơ học
- Tơ lụa là một trong những sợi tự nhiên chắc nhất, tuy nhiên khi ướt độ chắc giảm còn 20%.
- Độ co giãn của vải lụa khá kém.
- Độ dài của tơ tằm chỉ sau các loại sợi hoá học, nó là sợ tơ dài hơn bất cứ loại tơ thiên nhiên nào.
Ưu điểm của vải lụa
Vải lụa có màu sáng bóng tự nhiên, nó rất nhẹ và bền cho bạn cảm giác thoải mái nhất khi mặc trang phục bằng vải lụa
- Vải lụa có ưu điểm nhẹ, bền và cách nhiệt. Trang phục bằng lụa tơ tằm vừa nhẹ, vừa bền, có màu sáng bóng tự nhiên, khi mặc vào mùa hè cho ta cảm giác thoáng mát, mùa đông thì sẽ có cảm giác ấm áp vì lụa dẫn nhiệt kém làm cho người mặc ấm hơn.
- Tính hút ẩm của vải lụa rất cao, nó có thể hút tới 30 - 35% hơi nước (
trong khi đó, sợi nylon chỉ có thể hút khoảng 5%
). Vì vậy các bạn sẽ rất an tâm khi sủ dụng vải lụa, nó sẽ đảm bảo tốt nhất cho sự hoạt động bình thường của da (sự thoát mồ hôi).
- Tính chịu nóng của vải lụa cũng khá cao, khi gia nhiệt tới 110 độ C thì bề ngoài của nó không thay đổi.
- Đặc biệt, vì được làm từ các sợi tự nhiên nên vải lụa không bao giờ gây kích ứng da khi mặc.
Nhược điểm của vải lụa
Vải lụa rất dễ bị côn trùng cắn và dễ bị ố vàng bởi mồ hôi. Vì có nguồn gốc thiên nhiên nên cũng rất khó để nhuộm màu. Sinh ra từ tự nhiên, nó cũng sẽ bị phân hủy tự nhiên. Vì vậy bảo quản vải lụa là khâu khá là phức tạp, tỉ mỉ.
Các loại vải lụa
Lụa tơ tằm
Lụa tơ tằm là loại cao cấp nhất trong tất cả các loại vải lụa, nó được sản xuất hoàn toàn bằng cách dệt thủ công truyền thống
Lụa tơ tằm là loại cao cấp nhất trong tất cả các loại vải lụa
từ trước tới giờ. Nó được sản xuất hoàn toàn bằng cách
dệt thủ công truyền thống
. Loại lụa này thường chỉ có màu trắng ngà - màu tự nhiên của tơ tằm, chứ ít khi có màu trắng tinh. Bề mặt vải vô cùng mềm mại, bóng mượt và nhẹ. Nó được ứng dụng rất nhiều trong thời trang cao cấp, đầm dạ hội, áo dài và lễ phục. Màu sắc của các sản phẩm từ lụa tơ tằm khá đơn giản, thường đơn sắc, hoa văn cũng giản dị và truyền thống. Hiện tại ở Việt Nam còn lưu truyền 8 làng nghề sản xuất lụa tơ tằm truyền thống trong đó làng nghề lụa Vạn Phúc, lụa Nha Xá, lụa Mỹ Á là những tên tuổi khá nổi tiếng.
Lụa satin
Lụa satin có độ bóng mịn đẹp cùng độ bền vượt trội
Lụa satin cũng làm bằng tơ tằm, nhưng cao cấp hơn, áp dụng kỹ thuật dệt vân đoạn tạo sự đan kết chặt chẽ giữa sợi ngang và sợi dọc. Để tạo ra lụa satin, các sợi dệt sẽ theo quy luật là sợi ngang sẽ đan xuống dưới một sợi dọc sau đó lại đè lên trên ít nhất 2 sợi dọc. Sau đó sợi ngang tiếp theo sẽ dịch chuyển qua phải ít nhất 2 sợi dọc và lên trên 1 lần.
- Lụa satin có các sợi ngang song song nhiều hơn các sợi dọc giúp độ bóng mịn đẹp hơn cùng độ bền vượt trội. Vì vậy nên giá của lụa satin cũng cao hơn hẳn so với các loại vải lụa khác như cotton, twill,...
Vải lụa cotton
Lụa Cotton là loại vải tổng hợp từ 2 chất liệu: cotton và sợi tơ tằm, nó mềm mại và có độ bền hơn hẳn lụa tơ tằm
Lụa Cotton là loại vải tổng hợp từ 2 chất liệu: cotton và sợi tơ tằm. Chúng được thừa hưởng tất cả những đặc tính và ưu điểm mà cả 2 chất liệu này mang lại. Tỉ lệ pha chế vải cotton lụa tùy thuộc vào từng nhà sản xuất, nhưng theo một số nghiên cứu thì tỉ lệ 90% cotton và 10% tơ tằm là hoàn hảo nhất.
Vải lụa cotton có những đặc điểm nổi bật như tính thẩm mĩ cao với vẻ ngoài sáng bóng, có khả năng chống tĩnh điện, phù hợp với nhiều điều kiện thời tiết khác nhau và không bị nhăn khi giặt. Nó mềm mại và có độ bền hơn hẳn lụa tơ tằm. Tuy vậy, vải lụa cotton lại rất dễ bị bay màu và dễ bị xước. Đòi hỏi người dùng phải kĩ tính hơn khi sử dụng và bảo quản. Nó được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực may mặc, đặc biệt là trang phục dành cho nam giới.
Lụa Twill
Vải lụa Twill có cấu trúc sợi đan chéo, bền và vô cùng chắc. Nó có hai mặt vải không giống nhau. Nguyên liệu để sản xuất lụa Twill Silk vẫn là từ tơ tằm nhưng cách dệt chắc chắn, dày dặn hơn nhưng vẫn đảm bảo nguyên vẹn sự mềm mại. Độ bóng của lụa Twill ở mức vừa phải, không rõ nét như satin nên có thể phù hợp với nhiều thiết kế và nhiều lứa tuổi khác nhau. Nó được ứng dụng may váy công sở, quần tây hoặc quần ống rộng cho nữ.
Lụa 2 da ( Lụa Twist Silk)
Lụa 2 da là sản phẩm của sự kết hợp giữa 50% lụa nguyên chất và 50% là sợi visco. Khi có ánh sáng chiếu vào các sợi tơ sẽ ánh lên và hiển thị màu sắc sặc sỡ và vô cùng sắc nét.
Vải lụa 2 da ứng dụng công nghệ dệt hiện đại nên vừa mềm mại vừa có độ bóng mịn, chống nhăn tốt và có độ bền cực cao. Bộ sưu tập màu sắc của lụa 2 da vô cùng phong phú vì có khả năng nhuộm màu ấn tượng và hoa văn rất bắt mắt. Chính vì vậy, nó được ứng dụng khá nhiều trong các loại trang phục như áo dài, áo cánh, áo khoác, áo bà ba hoặc pajama. Không gây kích ứng da khi mặc nên bạn có thể thoải mái sử dụng những sản phẩm từ lụa 2 da mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên khi giặt, bạn nên giặt riêng chúng ra vì nó có thể bị bay màu nhẹ.
Lụa gấm Jacquard
Lụa Jacquard có bề mặt sáng bóng và rất đa dạng về hoa văn, các hoa văn đó được tạo ra ngay trong quá trình dệt chứ không phải thêu hay in
Lụa Jacquard có bề mặt sáng bóng và rất đa dạng về hoa văn, mẫu mã. Jacquard là một công nghệ dệt hiện đại giúp tạo các hoa văn nổi sẵn trên bề mặt vải lụa sang trọng. Các hoa văn này tạo ra ngay trong quá trình dệt chứ không phải thêu hay in mực nên giá thành của nó thường đắt hơn rất nhiều. Lụa Jacquard rất phong phú đa dạng, đem đến cho bạn vô vàn những sự lựa chọn trong thiết kế sáng tạo. Nó được ứng dụng trong những bộ sưu tập thời trang cao cấp áo dài sang trọng hoặc những bộ đầm cầu kì mang xu hướng hoàng gia.
Lụa Damask
Loại vải này cũng áp dụng hình thức dệt vân đoạn nhưng khác cấu trúc sợi ngang, sợi dọc so với vải satin. Các loại hoa văn trên vải lụa Damask được tạo ra trực tiếp từ quá trình dệt sợi. Nó được thiết kế theo công nghệ diệt hiện đại của Đức, hoa văn cũng lấy cảm hứng từ chính đất nước này hoặc một số quốc gia khác như Pháp, Ý. Lụa Damask thường được ứng dụng may vest sang trọng, áo dài cưới và caravat cao cấp.
Lụa đũi
Lụa đũi hay còn gọi là Lụa Tussah, được dệt từ sợi tơ thô của sợi tơ tằm dâu, bề mặt của nó hơi thô và có độ bóng nhẹ, đẹp
Lụa đũi hay còn gọi là Lụa Tussah, được dệt từ sợi tơ thô của sợi tơ tằm dâu. Trước đó nó chỉ có màu sắc đơn giản và trơn. Giờ đây thì lụa đũi cũng có những sản phẩm in nhiều hoa văn cá tính và đẹp mắt tạo sự đa dạng và phong phú cho chất liệu này. Lụa đũi có bề mặt vải hơi thô nhưng lại có độ bóng nhẹ nên thường được ưa dùng để may áo sơ mi nam, quần tây hoặc vest. Ngoài ra nó còn được ứng dụng làm khăn quàng cổ rất ấm áp cho mùa đông lạnh.
Lụa Chiffon
Lụa chiffon cũng được dệt 100% từ tơ tằm thiên nhiên nhưng sợi dệt mỏng hơn rất nhiều
Lụa chiffon cũng được dệt 100% từ tơ tằm thiên nhiên nhưng sợi dệt rất mỏng, có thể nhìn xuyên thấu. Nó được ứng dụng nhiều trong đầm dạ hội hoặc trang trí váy cưới.
Các loại khác
Bên cạnh những loại vải lụa phổ biến kể trên thì trên thị trường hiện nay còn xuất hiện nhiều loại vải lụa khác như lụa cát, vải lụa giấy, lụa tuyết, lụa thun, lụa xốp,…
Ứng dụng của vải lụa
Tơ tằm là nguyên liệu quý có giá trị cao trên thị trường thế giới, nó được ứng dụng rất nhiều trong thế giới thời trang và cả những đồ nội thất nữa. Sản phẩm được làm từ lụa tơ tằm rất được ưa thích ở mọi lứa tuổi. Vẻ đẹp mềm mại, nhẹ nhàng sang trọng và quý phái của lụa tơ tằm lại đặc biệt thích hợp với phụ nữ và có đến 90% sản phẩm quần áo, trang phục tơ tằm là dành cho phụ nữ.
Thời trang với vải lụa
Vải lụa tự nhiên được lựa chọn thiết kế và sản xuất vô vàn các loại trang phục thời trang khác nhau với nhiều phong cách, quyến rũ, dịu dàng, cá tính.
Thiết kế sáng tạo với nhiều phong cách với vải lụa thiên nhiên
Váy cưới bằng vải lụa tinh tế, sang trọng và vô cùng quyến rũ.
Khăn quàng cổ bằng vải lụa cho bạn một phong cách vô cùng sang trọng
Sleepwear silk thoải mái, ngọt ngào, quyến rũ
Trang sức với sợi tơ lụa ấn tượng và hấp dẫn
Ứng dụng trong nội thất, trang trí
Đem đến cho ngôi nhà vẻ sang trọng, lịch sự, trang nhã và ấn tượng. Đó chính là những tấm rèm cửa bằng vải lụa hay những tấm chăn, ga, gối đệm bằng vải lụa, vô cùng êm ái, nhẹ nhàng và an toàn.
Chăn, ga, gối đệm bằng vải lụa vô cùng êm ái, đem đến cho ngôi nhà vẻ sang trọng, lịch sự, trang nhã và ấn tượng
Những ứng dụng khác
Ngoài những ứng dụng thông thường như trên, nó còn được dùng trong các ngành quốc phòng và y học. Sử dụng vải lụa để làm lớp cách điện, bọc dây của các máy phát điện, lót bao lớp máy bay, dệt vải dù, áo chống độc, bao đựng thuốc nổ, làm chỉ khâu cho các bác sĩ mổ sẻ. Các thầy thuốc Trung Quốc đã từng sử dụng lụa để làm mạch máu nhân tạo. Lụa cũng dùng để thay thế giấy viết…
Lịch sử phát triển
Nghề dệt lụa xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc, khoảng năm 6000 TCN. Ban đầu, chỉ có vua mới được dùng vải lụa hoặc ban tặng cho người khác, tuy nhiên sau đó vải lụa dần dần được các tầng lớp xã hội ở Trung Quốc dùng rồi lan đến các vùng khác của châu Á. Nhu cầu sử dụng loại vải sang trọng này dần tăng lên, dẫn đến sự hình thành con đường thương mại nổi tiếng mang tên “Con đường tơ lụa”. Lụa đã được vận chuyển từ Trung Quốc và bán cho các nước phương Tây thông qua con đường này. Và lúc đó nó được coi là hàng hóa có giá trị quý hơn vàng.
“Con đường tơ lụa”
Lụa đã được vận chuyển từ Trung Quốc và bán cho các nước phương Tây thông qua “Con đường tơ lụa” này
Con đường Tơ lụa trải dài trên 6 000 km từ phía Đông Trung Quốc đến Biển Địa Trung Hải, chạy theo Vạn Lý Trường Thành, qua dãy núi Pamir, đi ngang qua nước Afghanistan ngày nay và kéo dài đến Trung Đông, cuối cùng đến với thị trường nổi tiếng ở Damascus. Tức là hàng hóa được vận chuyển dọc Biển Địa Trung Hải. Tuy nhiên, nó thường được vận chuyển bởi nhiều tuyến trung gian, rất hiếm khi các thương nhân di chuyển và vận chuyển trên toàn bộ tuyến đường này.
Ban đầu Trung Quốc là nhà sản xuất lụa duy nhất trên thế giới trong hàng trăm năm. Và Byzantine (đế chế lãnh đạo khu vực Địa Trung Hải nằm ở phía nam châu Âu, Bắc Phi và Trung Đông trong giai đoạn từ 330 đến 1453 sau công nguyên) cũng là đế chế độc quyền trong ngành dệt và buôn bán vải lụa suốt nhiều thế kỷ. Sau đó, vào thế kỷ 17, người Ả-rập chinh phục Ba Tư và đã học được nghề dệt lụa tuyệt vời này. Vì vậy, các sản phẩm lụa dần trở nên phổ biến khắp châu Phi, Sicily và Tây Ban Nha.
Andalusia ở miền nam nước Tây Ban Nha là trung tâm sản xuất lụa chính tại châu Âu vào thế kỷ thứ X. Tuy vậy, vào thế kỷ XIII, Italia lại trở thành nước đi đầu ở châu Âu về dệt và xuất khẩu lụa. Các thương nhân ở thành phố Venice chủ yếu buôn bán lụa và khuyến khích người sản xuất lụa định cư ở Italia. Thậm chí, cho đến nay, lụa được sản xuất ở tỉnh Como (miền bắc Italia) vẫn rất nổi tiếng.
Thế kỷ XIX - XX, do việc mở cửa kênh đào Suez và hai cuộc thế chiến, ngành sản xuất lụa ở châu Âu bị mất ưu thế. Cộng thêm các loại vải nhân tạo mới như nylon bắt đầu được dùng trong những lĩnh vực vốn dĩ sử dụng các sản phẩm lụa như nghề làm túi và dù. Điều này càng bóp chết ngành sản xuất lụa ở châu Âu.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản đã khôi phục ngành sản xuất lụa với nhiều sản phẩm được cải tiến và tạo ra lụa thô có chất lượng tốt hơn. Nhật Bản là nhà sản xuất lụa thô lớn nhất thế giới và thực tế là nhà xuất khẩu lụa thô duy nhất cho đến những năm 1970. Tuy vậy, trong những thập kỷ sau đó, Trung Quốc dần lấy lại vị trí nhà sản xuất và xuất khẩu lụa thô và sợi lụa lớn nhất thế giới. Ngày nay, gần hai phần ba trong số lụa của cả Thế giới là do Trung Quốc sản xuất.
Lụa tơ tằm – chất liệu truyền thống Việt Nam
Lụa tơ tằm – chất liệu truyền thống Việt Nam
Nghề ươm tơ dệt lụa ở Việt Nam tồn tại và phát triển gắn liền với lịch sử và văn hóa từ hàng nghìn năm nay. Theo thần tích làng Cố Đô, huyện Ba Vì thì nghề chăn tằm, ươm tơ đã có từ thời vua Hùng Vương thứ 6 do công chúa Thiều Hoa khởi nghiệp. Với đặc tính mịn mượt, bền đẹp, có tính thích nghi cao, thân thiện với môi trường…chất liệu tơ lụa tự nhiên của Việt Nam được nhiều nước ưa chuộng và đánh giá cao. Bằng sự kết hợp giữa sản xuất truyền thống với công nghệ tiên tiến, sản phẩm tơ lụa Việt Nam có phần cao cấp vượt trội so với các nước trong khu vực.
Quy trình sản xuất vải lụa
Cách bảo quản vải lụa
Bảo quản vải lụa tốt nhất đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận, tỉ mỉ và kĩ tính của người dùng
Vải lụa được làm từ tự nhiên nên sẽ rất an toàn với người sử dụng nhưng cũng rất cần sự khéo léo, cẩn thận bảo quản của người dùng. Để vải luôn được bền đẹp và sang trọng, bạn phải rất tỉ mỉ và kĩ tính. Sau đây là những cách bảo quản vải lụa tốt nhất:
- Không dùng chất tẩy rửa mạnh khi giặt, để không làm biến dạng và thay đổi cấu trúc của sản phẩm. Chỉ cần sử dụng xà phòng tắm hoặc dầu gội để làm các sản phẩm làm từ vải lụa tự nhiên là được.
- Vải lụa có đặc tính khó ăn màu, nên với các sản phẩm vải lụa có màu sắc sặc sỡ sẽ rất dễ ra màu. Do đó, bạn hãy giặt riêng biệt từng sản phẩm để đảm bảo độ an toàn cao nhất.
- Bạn hãy giặt thật nhẹ tay, tránh ngâm quá lâu và không vắt sản phẩm quá mạnh.
- Bạn muốn màu sắc vải lụa tự nhiên được bền lâu, hãy nhỏ thêm vài giọt giấm vào nước xả cuối.
- Khi phơi, không được phơi các sản phẩm từ lụa tự nhiên ngoài ánh nắng trực tiếp, nắng sẽ làm các sợi lụa giòn và dễ gãy. Ngoài ra nó còn làm cho phai màu sản phẩm hoặc ố vàng, gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng.
- Vải lụa tự nhiên khá mỏng. Do đó, bạn nên ủi đồ bằng bàn ủi hơi nước hoặc chỉ ủi khi đồ còn ẩm. Lưu ý chỉ nên ủi ở mặt trái của sản phẩm.
TAG:
vải lụa
DEC Design Education
sưu tầm & biên tập.
DEC:
"
Học để trở thành chuyên nghiệp
"
Chia sẻ bài viết nếu bạn thấy hữu ích