Thời trang của Thế kỷ XVII mang phong cách Broque

Thời trang của Thế kỷ XVII mang phong cách Broque - Thời trang hoàng gia với những cấu trúc hoành tráng, cầu kỳ, tỉ mỉ tới từng chi tiết.

Bối cảnh

Giới quý tộc, hoàng thất và tầng lớp dân thường có những quy định phục trang không được hòa lẫn hay xâm phạm đến nhau. Giai đoạn này, sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu làm gia tăng nhịp độ phát triển của thời trang. Họ trở nên giàu có hơn, tìm tới thử nghiệm với trang phục và phong cách thời trang bắt đầu vượt giới hạn đường biên giới quốc gia. Họ thường áp dụng hoặc học theo gu thẩm mỹ của tầng lớp thượng lưu. Vì vậy, các tầng lớp trên trong xã hội luôn phải đau đầu suy nghĩ và đổi mới về hình thức để đối phó với nạn "vi phạm bản quyền" trong trang phục, luôn luôn tìm cách đổi mới phong cách của mình để thể hiện rõ đẳng cấp của họ so với đám đông. Điều này cũng dễ hiểu bởi thời trang ở thời kì này phản ánh rõ địa vị và đẳng cấp xã hội. Mức độ sang trọng, quý hiếm sẽ xác định chủ nhân của bộ đồ đó thuộc tầng lớp nào trong xã hội. 
 
Chính từ nhu cầu này mà Hoàng đế Louis XIV đã quy tụ tất cả những con mắt nghệ thuật và "Thời trang" nhất lúc bấy giờ, không phân biệt nam nữ, già trẻ, trung lưu, thượng lưu vào "Hội các nhà may trang phục" để chuyên trách nhiệm vụ sáng tạo mode và lăng xê mode cho Hoàng gia. Kể từ đây, chuyện ăn mặc, giày dép, đầu tóc sao cho thời thượng, đẹp và hợp mode không còn tự do, ngẫu hứng mang tính chất vui chơi là chính mà đã có chuẩn mực và có những nhà "chuyên môn" để đánh giá một cách nghiêm túc. Một nghề nghiệp mới ra đời - Nghề thiết kế thời trang.


Trang phục nam giới


Những bộ trang phục của hoàng đế thực sự là những mẫu trang phục Haute couture cao cấp nhất, thường được làm từ gấm, thêu vàng hoặc bạc cùng với lụa đắt tiền. Phom dáng bồng bềnh cùng độ dài ấn tượng được chạm trổ công phu và trang trí cầu kỳ. Vua Louis XIV được coi là “ người đàn ông mặc đẹp nhất Châu Âu”, gu thẩm mỹ và cách ăn mặc của ông ấy gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới giới quân chủ và quý tộc của khắp các nước Châu Âu và lục địa bấy giờ. 
 
thoi-trang-the-ki-17 4_zpslnkgeqzk.jpg
 
Chưa bao giờ thời trang giành cho nam giới lại có những sự cầu kỳ, rườm rà và phức tạp hơn ở thời đại này. Đặc biệt là ở những đôi giày. Nếu người cha của mình vì đầu hói phải đội tóc giả rồi vô tình lăng xê cho văn hóa "Đội tóc giả" trong các xã hội phương Tây thì Hoàng đế Louis XIV do chiều cao khiêm tốn của mình đã chủ động lăng xê cho các đôi giày cao gót. Do có chiều cao khiêm tốn nhưng lại yêu thích cảm giác được "Cao lênh khênh" mỗi lần thiết triều hay xuất hiện nên Hoàng đế đã tận dụng triệt để sức mạnh của những đôi giày cao gót.
 
thoi-trang-the-ki-17 1_zpsmnq8tn4y.jpg
 

Trang phục nữ giới


Trước đó, các quý bà và quý cô phương Tây bị bó buộc bởi những chiếc áo corset siết rất chặt vào cơ thể và phải mang trên mình những trang phục rất cồng kềnh.  Thế kỉ này, trang phục nữ giới thể hiện sự tự do về phom dáng, điều này được thể hiện rõ ràng thông qua những đường viền cổ áo được khoét sâu táo bạo. Điểm nhấn của Baroque chính là những tỷ lệ cân đối tự nhiên và sự tự do trong phom dáng, trang phục phía bên trên được nhấn nhá bởi sự khoét sâu của cổ áo, để lộ bộ ngực căng đầy.
 
thoi-trang-the-ki-17 3_zpslbso6gol.jpg
 
Tay áo phồng và có xẻ để lộ vải lót có màu tương phản bên trong và thường kết thúc với cổ tay ôm sát. Với những chiếc áo này, phụ nữ thường mang những đôi giày chopine (giày đế bằng) cao với đế giày bằng gỗ hoặc bằng thân cây bần giúp họ trông cao hơn bù vào độ rộng của chiếc váy phồng oval guardinfante.
 
Giới nữ ưa chuộng chất liệu lụa, gấm trơn. Đối lập với sự trang trí cầu kì, chi tiết trong trang phục nam, trang phục nữ thời kỳ này hạn chế thêu thùa họa tiết và nếu cần trang trí thì cũng chỉ sử dụng ren và nơ buộc mà thôi. Tóc cắt ngắn, để vài lọn về phía trước và ép sát vào khuôn mặt. Phong cách trang điểm son môi má hồng  của các cô gái "hoa" cũng được các quý bà và quý cô yêu thích để tôn vinh vẻ đẹp của mình. Cái đẹp quả là không hề có sự phân biệt và ngăn cách! Những chiếc váy được đánh bồng lên cho nổi bật bằng nhiều hình thức như khung đỡ, phụ trang độn hông hoặc đơn giản chỉ là mặc lồng ghép nhiều chiếc váy lại với nhau.

Thời trang ở giai đoạn lịch sử này bắt đầu có những manh nha về sự liên kết giữa tên tuổi của nhà thiết kế với những bộ đồ độc.

DEC Design Education sưu tầm & biên tập.
#DEC : " Học để trở thành chuyên nghiệp "