Kinh doanh thời trang áp dụng theo Mô hình 5C

Thành công trong việc kinh doanh thời trang là tổng hòa của nhiều yếu tố. Bên cạnh việc sở hữu những kiến thức và đam mê về thời trang, doanh nhân thế hệ mới cần trang bị thêm các công cụ và phương pháp về xây dựng kế hoạch kinh doanh hiệu quả.
 
Cụ thể trong nội dung bài viết này, DEC xin được chia sẻ phương pháp thực hiện nghiên cứu bối cảnh kinh doanh được coi là gốc rễ cho mọi hoạt động chiến lược và thực thi của một thương hiệu. Câu nói của cổ nhân “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” vẫn giữ nguyên giá trị dưới bất kì hình thức kinh doanh nào. Cần phải loại bỏ  ngay trong đầu quan niệm giản đơn về việc kinh doanh thời trang dễ như ăn cơm. Sai lầm khi các bạn đã nhầm lẫn giữa việc yêu thích thời trang với việc kiếm tiền từ nó.
 
Trước khi bắt tay vào kinh doanh lĩnh vực thời trang với các mục tiêu đầy tham vọng, chúng ta cần có sự thấu hiểu về bối cảnh kinh doanh vào thời điểm hiện tại và tương lai gần.
 
Bí kíp đó được mang tên Mô hình phân tích bối cảnh kinh doanh 5C.
 
1. Môi trường kinh doanh (Climate)
2. Khách hàng (Customers)
3. Đối tác (Collaborators)
4. Đối thủ cạnh tranh (Competitors)
5. Công ty (Company)
 
 
kinh-doanh-thoi-trang-ap-dung-mo-hinh-5c 2_zpskx0rzpll.jpg
 
 
1. Môi trường kinh doanh (Climate):
 
Với việc đàm phán và tiến tới kí kết 8 hiệp định tự do thương mại với các nước phát triển trên thế giới mà đặc biệt là TPP và EVFTA trong năm 2015, hàng rào thuế quan giữa Việt Nam và các nước phương tây như Ý, Pháp, Anh, Thổ Nhĩ Kì, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… sẽ giảm dần về 0% trong 1 vài năm tới. Đây là các quốc gia có danh tiếng từ lâu về sản xuất hàng hóa từ xa xỉ tới chất lượng trung cao: Da thuộc Italy, Quần áo Tây Ban Nha, Áo sơ mi Thổ Nhĩ Kì, giày da Bồ Đào Nha, suits ở Anh…
 
kinh-doanh-thoi-trang-ap-dung-mo-hinh-5c 6_zpsqrgdjpoe.jpg
Hiệp định EU-Vietnam
 
Hãy tưởng tượng xem nếu bạn đang có ý định kinh doanh mặt hàng thời trang ở phân khúc trung cao trở lên, mô hình kinh doanh của bạn sẽ đối diện với những cơ hội và thách thức nào? Nếu doanh nghiệp của bạn chuyên nhập khẩu và phân phối hàng hóa từ châu Âu về, bạn sẽ có cơ hội bán giá rẻ hơn và tạo lợi thế cạnh tranh tốt hơn trong khi lợi nhuận vẫn không sụt giảm. Ngược lại, nếu hàng hóa của bạn đang được sản xuất trong nước, việc đối mặt với các sản phẩm có chất lượng cao, nguồn gốc xuất xứ châu Âu với mức giá đang rẻ dần trở thành mối quan ngại ngày càng lớn của bạn.
 
kinh-doanh-thoi-trang-ap-dung-mo-hinh-5c 7_zpsw9ribziv.jpg
 
Một yếu tố khác trong môi trường kinh doanh đó là công nghệ. Công nghệ thông tin đã và đang phát triển như vũ bão. Việc dự báo trước được xu hướng phát triển của internet có thể mang lại cơ hội ngàn vàng cho bạn, hoặc cũng có thể sát hại công ty bạn bất kì lúc nào. Ngày nay, các công ty thời trang trên toàn thế giới đã coi bán hàng trực tuyến trên các website chính hãng hay thông qua các đơn vị trung gian như: Alibaba, Amazon..v...v là yếu tố đảm bảo cạnh tranh bắt buộc.
 
2. Khách hàng (Customers):
 
Một trong những điều quan trọng và cốt lõi của kinh doanh là thấu hiểu khách hàng mục tiêu vào thời điểm hiện tại và xu hướng chuyển dịch của họ trong tương lai. Chúng ta cần xác định rõ khách hàng mục tiêu nằm ở phân khúc thị trường nào? Phân khúc xa xỉ hay tầm trung, hoặc là phân khúc thị trường đại chúng?
 
kinh-doanh-thoi-trang-ap-dung-mo-hinh-5c 1_zpspgmxrzfv.jpg
 
Có 4 cách tiếp cận để thấu hiểu khách hàng của mình:
 
Về nhân chủng học: độ tuổi, thu nhập, trình độ nhận thức, giới tính…
Theo khu vực địa lý: họ ở đâu? tỉnh thành, quận huyện nào?
Theo thói quen tiêu dùng: họ hay mua hàng ở đâu, tìm hiểu thông tin qua kênh nào? Mua hàng nhiều hay ít trong một lần, trị giá hoá đơn mua hàng trên mỗi lần là bao nhiêu? Có bị ảnh hưởng bởi các chiến dịch giảm giá hay không? Giá trị thực sự họ tìm kiếm ở sản phẩm thời trang là gì?
Theo tâm lý: Họ là con người có tính cách và đặc điểm như thế nào? Là người nguyên tắc, bảo thủ hay hướng ngoại, thích hoạt động xã hội hay là người đam mê của cải, yêu thích sự thành công về tài chính?
 
3. Đối tác (Collaborators):
 
Nhiều khi bắt tay vào kinh doanh, các bạn quá tập trung vào sản phẩm mà quên đi các đối tác. Họ có thể là đại lý, đối tác, nhà phân phối, nhà cung cấp cho công việc kinh doanh của bạn. 
 
kinh-doanh-thoi-trang-ap-dung-mo-hinh-5c 4_zpsocitpi87.jpg
 
Đối tác kinh doanh của bạn là ai?
 
Chúng ta cần nắm rõ khả năng, năng lực thực thi và các vấn đề của họ để dự liệu những rủi ro hay cơ hội cho thương hiệu của chúng ta. Bạn thử hình dung: khi bạn thiếu vốn thì bạn cần đối tác ngân hàng, khi bạn sản xuất quá thừa thì bạn cần đối tác phân phối, khi bạn gặp vấn đề về sản phẩm thì bạn nghĩ ngay tới đối tác sản xuất...
 
4. Đối thủ (Competitors):
 
Hiểu về đối thủ cạnh tranh cũng quan trọng như hiểu về khách hàng của bạn. Việc luôn theo dõi từng hoạt động của đối thủ cạnh tranh hiện tại cũng như thu thập thông tin để lường trước về đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn trong tương lai sẽ cho bạn cái nhìn rõ ràng hơn về tổng quan thị trường cung cấp hàng hóa. Đi sâu vào tìm hiểu, bạn cần xác định rõ đối thủ cạnh tranh trực tiếp và gián tiếp với thương hiệu của bạn, từ đó phân tích điểm mạnh, điểm yếu, định vị và thị phần của từng đối thủ để tìm kiếm cơ hội phát triển sản phẩm và thương hiệu cho bạn. 
 
kinh-doanh-thoi-trang-ap-dung-mo-hinh-5c 5_zpsfa2ygnfx.jpg
 
Làm kinh doanh mà lan man không thể nhận diện được thị trường của mình là gì, đối thủ của mình là ai thì sớm hay muộn cũng sẽ thất bại mà thôi.
 
5. Công ty (Company):
 
Nếu như các yếu tố trên tới từ bên ngoài thì việc thấu hiểu về công ty (hay dự án đối với các bạn mới khởi nghiệp) là yếu tố nội sinh quan trọng nhất để có thể xây dựng chiến lược cho phù hợp. Bạn cần nắm rõ về tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi của công việc kinh doanh của mình cũng như chiến lược, năng lực, sản phẩm, công nghệ, văn hóa hay các mục tiêu. Việc hiểu rõ về công ty sẽ giúp bạn tìm ra được điểm mạnh và điểm yếu trong quá trình so sánh với đối thủ cạnh tranh; từ đó tìm kiếm các chiến lược tấn công để giành giật thị phần hoặc phòng thủ để bảo vệ thương hiệu.
 
Có thể thấy một ví dụ từ một thương hiệu đã thành công ở thị trường áo sơ mi công sở dành cho nam giới ở Việt Nam, đó là Pierre Cardin An Phước. Công ty An Phước thấu hiểu điểm mạnh nhất của họ là có khả năng rất mạnh về sản xuất áo sơ mi trong nước với khả năng đáp ứng nhiều giá khác nhau với chất lượng khác nhau, đáp ứng được nhiều phân khúc khách hàng có nhu cầu đa dạng. Tuy nhiên, điểm yếu của họ khiến họ không được phép bán giá cao hơn đó là thương hiệu nội địa. Do đó, việc công ty mạnh dạn mua nhượng quyền thương hiệu Pierre Cardin để sản xuất theo dây chuyền và tiêu chuẩn của hãng sẽ tiếp thêm sức mạnh cho điểm mạnh vốn có của công ty, đồng thời khắc phục được điểm yếu và từ đó thực hiện chiến lược xâm lấn thị trường bằng việc mở rộng hệ thống phân phối rộng khắp và nhanh chóng thành công trong phân khúc thị trường áo sơ mi công sở tầm trung dành cho nam ở thị trường Việt Nam trong thập kỉ qua.
 
Dựa vào việc phân tích và hiểu rõ bối cảnh kinh doanh thông qua mô hình phân tích 5C, chúng ta sẽ có thể tìm kiếm các ý tưởng xây dựng chiến lược kinh doanh cho toàn công ty/ dự án mà tại đó điểm mạnh được phát huy để trở thành ưu thế, điểm yếu được dần khắc phục để tận dụng thời cơ đang hiện hữu trên thị trường và cuối cùng là hạn chế các rủi ro có thể trong quá trình triển khai.
 
DEC Design Education sưu tầm & biên tập.
#DEC : " Học để trở thành chuyên nghiệp "