Vietinbank rao bán khoản nợ 111 tỷ đồng của hãng thời trang NEM

Công ty cổ phần Thương mại NEM 
 
Đây chính là đơn vị quản lý các cửa hàng thời trang với thương hiệu NEM tại nhiều địa chỉ khắp Hà Nội. Công ty này được thành lập từ đầu năm 2009 do ông Trương Việt Bình là người đại diện theo pháp luật. Công ty là một thành viên trong hệ thống sở hữu thương hiệu thời trang nữ bình dân lớn tại Việt Nam với hệ thống 44 cửa hàng trên toàn quốc, trong đó tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP.HCM. Hãng thời trang này được người tiêu dùng trong nước biết đến như 1 trong những thương hiệu uy tín tại Việt Nam. Sản phẩm chính của công ty là các sản phẩm may mặc hướng đến đối tượng khách hàng là phụ nữ công sở từ 20-40 tuổi. 
 
Theo giới thiệu thì hiện mỗi tháng thương hiệu này cho ra mắt trên 500 mẫu thời trang. Chiến dịch truyền thông của NEM hướng tới tài trợ độc quyền cho giới MC, người mẫu, người nổi tiếng và quảng bá trong nhiều bộ phim, chương trình truyền hình. Trong đó nổi tiếng nhất là gắn với hình ảnh dàn biên tập viên thời tiết của VTV vì hãng này tài trợ trang phục cho chuyên mục này trong một thời gian dài. 
 
thoi-trang-NEM-bi-rao-ban-no 3_zpseanvvdaw.jpg
 
Thực trạng kinh doanh 
 
Thông tin về khoản nợ của công ty thời trang này tại Vietinbank gần 111 tỷ đồng tính đến 22/8, bao gồm gần 61 tỷ đồng nợ gốc, còn lại là nợ quá hạn và nợ lãi trong thời hạn vay đã làm nhiều người cảm thấy rất bất ngờ vì NEM liên tục tăng trưởng trong nhiều năm trở lại đây. Trong thời gian qua, tốc độ tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp này đều đạt 20% và được dự báo có thể đạt 26 triệu USD trong năm 2017.
“ Cuối năm 2017, Stripe International Inc, công ty phân phối quần áo thời trang của Nhật Bản cho biết sẽ mua lại thương hiệu thời trang này, và trở thành công ty Nhật Bản đầu tiên tham gia vào thị trường bán lẻ quần áo thời trang tại Việt Nam. Stripe International Inc cùng một số cổ đông khác đã thành lập một công ty con tại Việt Nam vào tháng 10/2017, với tên gọi Công ty cổ phần Stripe Việt Nam. Doanh nghiệp có vốn điều lệ 175 tỷ đồng, đóng tại Hà Nội, do ông Yasuharu Ishikawa là Chủ tịch HĐQT, ngành nghề đăng ký là sản xuất và kinh doanh quần áo phụ nữ. Sau khi thương vụ mua lại hoàn tất, Stripe International Inc cũng sẽ bổ nhiệm dàn lãnh đạo mới của công ty. Nhưng tại thời điểm đó, ông Trương Việt Bình cho biết thương vụ mới chỉ đang trong quá trình đàm phán và chưa có thông tin chính thức từ phía doanh nghiệp Việt Nam. Đến nay, vẫn chưa có thông tin chính thức nào về thương vụ này.” 
 
thoi-trang-NEM-bi-rao-ban-no 4_zpsz4wkhd9q.jpg
 
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Vietinbank (mã chứng khoán CTG) vừa có thông báo rao bán khoản nợ có tài sản đảm bảo của Công ty cổ phần Thương mại NEM, địa chỉ tại 156 Bà Triệu, Hà Nội. Vietinbank cho hay công ty này đang nợ ngân hàng này gần 111 tỷ đồng tính đến 22/8. Trong đó khoản nợ gốc là gần 61 tỷ đồng và 35,3 tỷ đồng nợ lãi trong thời hạn vay và 14,5 tỷ tiền lãi quá hạn. Để thu hồi và xử lý nợ vay, ngân hàng sẽ rao bán khoản nợ cả gốc và lãi vay này.

Khoản nợ được đảm bảo bằng toàn bộ hàng tồn kho luân chuyển (hàng thời trang) của công ty thời trang này. Đến ngày 30/6, tổng hàng tồn kho của công ty này được ghi nhận là 33,9 tỷ đồng. Vietinbank cũng cho biết thêm số tài sản đảm bảo này đã được ký hợp đồng thế chấp và đăng ký giao dịch bảo đảm. VietinBank Hà Nội có quyền xử lý theo các điều khoản trong hợp đồng thế chấp. Thời gian để các cá nhân, tổ chức liên hệ mua nợ hoặc tài sản đảm bảo chậm nhất là trong tháng 9.
 
Nguyên nhân sa sút có thể tiên liệu ?
 
Báo cáo tài chính của công ty CP Thương mại NEM năm 2016 cho thấy, doanh thu bán hàng đạt 219 tỷ đồng, tăng trưởng gấp rưỡi so với năm 2015, tuy nhiên sau trừ đi các khoản mục chi phí hoạt động, công ty này vẫn lỗ 2,7 tỷ đồng. Năm trước đó cũng lỗ gần 2 tỷ đồng.
Đáng chú ý, thời điểm kết thúc năm 2016, tổng nợ phải trả của công ty ở mức 534 tỷ đồng, trong đó 500 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn, gấp gần 10 lần vốn chủ sở hữu (trên 52 tỷ đồng).
 
Tính đến 31/12/2016, tổng giá trị hàng tồn kho của công ty là gần 62 tỷ đồng. Tài sản dài hạn khác là 296 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng tài sản của công ty (587 tỷ đồng).
 
thoi-trang-NEM-bi-rao-ban-no 1_zpstilrgcef.jpg
 
Tình hình kinh doanh sa sút nói trên của NEM được nhận định là do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan.
 
Về chủ quan, NEM là hãng thời trang thiết kế ra đời khá sớm, vào thời điểm đời sống kinh tế của người dân Việt Nam ngày càng được cải thiện, xu hướng chuộng thời trang thiết kế cao cấp trở nên thịnh hành, lấn át xu hướng sử dụng hàng may mặc đại trà như trước đây.
Mặt khác, do đánh vào tâm lý khách hàng chuộng hàng ngoại và hay mặc theo người nổi tiếng, NEM khá thành công khi sử dụng các công cụ quảng bá truyền hình, phim ảnh, người nổi tiếng để truyền đi thông điệp “thời trang phong cách Pháp” của mình. Có thời điểm, hãng này thuê cả một diễn viên truyền hình nổi tiếng về làm quản lý cho mình.
 
Thành công đó đã khiến hãng liên tục mở rộng thêm nhiều cửa hàng, chiếm những vị trí đẹp như Hàng Lược, Tràng Tiền, Bà Triệu... và bán được những bộ quần áo, những chiếc váy có giá trị lên tới vài triệu đồng.

Tuy nhiên, việc liên tục cho ra đời số lượng sản phẩm lớn (hơn 500 mẫu/ tháng, ngày nào cũng ra sản phẩm mới) trong khi phong cách ít cải tiến, càng về sau càng có xu hướng già nua, cứng nhắc đã khiến hãng này dần mất khách hàng trước một số đối thủ trong nước ra sau như IVY, Format, Elise,... Ngoài ra, một năm trước đây, giữa cơn bão thời trang ngoại Zara, H&M đổ bộ Hà Nội, thì NEM càng trở nên thất thế khi mà cả chất lượng lẫn giá cả đều không cạnh tranh nổi. Mặc dù tại thời điểm đó, trả lời báo chí, đại diện NEM Fashion bày tỏ quan điểm tự tin rằng họ không hề lo lắng bởi mỗi thương hiệu thời trang đều có phân khúc khách hàng riêng.
 
DEC Design Education sưu tầm & biên tập.
#DEC : " Học để trở thành chuyên nghiệp "