Lựa chọn công việc nào cho bạn sau khi học thiết kế thời trang

1. Là chủ shop, boutique, fashion brand:
 
Có lẽ đây là giấc mơ của hơn 70% những bạn mà khi được chúng tôi phỏng vấn trước khi nhập học thiết kế thời trang đều hướng tới. Thật ra, khi mới bắt đầu thì là thế, nhưng sau khi tốt nghiệp khóa học, sức ép của “ cần phải thực tế “ ngày càng lại gần nên đã có nhiều người thay đổi mục tiêu so với khi xuất phát. 
 
Phải nắm được: Những kỹ năng nào cần cho các chủ shop hay chủ thương hiệu vừa và nhỏ !!! Chúng tôi xin đưa ra quan điểm cá nhân đó là 2 mảng kiến thức lớn: Chuyên môn và Kinh doanh. Khi các bạn tốt nghiệp khóa Học thiết kế thời trang thì đương nhiên chuyên môn về nghề bạn đã có, sản phẩm bạn sẽ có, nhưng điều đó không có nghĩa là các bạn sẽ bán được hàng và tồn tại. Vì thế, để đi theo hướng này, chúng tôi thiết nghĩ, các bạn nên có chút thời gian đi làm thuê cho các doanh nghiệp thời trang để học hỏi kinh nghiệm xương máu từ họ với quan niệm Trải nghiệm bằng tiền của người khác. Song song với việc này, các bạn cần tích lũy kiến thức về Thị trường, kinh doanh, quản lý, tài chính...Dù có né tránh công việc trên thế nào đi nữa, thì cũng phải đối mặt với thực tế là các bạn đang muốn  KINH DOANH thời trang chứ không phải là dạo chơi. Tất nhiên, còn 1 giải pháp khác là các bạn có thể tìm đối tác quản lý, bạn làm chung và chia tiền với họ.
 
2. Trở  thành họa sỹ diễn họa thời trang:
 
Học thiết kế thời trang xong bạn có thể trở thành hoạ sỹ diễn hoạ thời trang
 
Nhiều học viên lúc đầu đến với nghề thời trang khá mông lung, họ chọn nghề này chỉ đơn giản là vì: Yêu cái đẹp, yêu thời trang, đặc biệt rất thích vẽ, và vì thế họ dấn thân. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian học họ chợt nhận ra rằng: Thời trang không chỉ là nghệ thuật mà còn là một ngành công nghiệp khắc nghiệt. Vì thế, còn sót lại duy nhất trong họ lúc bấy giờ là yêu thích vẽ, nhóm người này sẽ liên tục vẽ và mê mẩn những bức họa thời trang vi diệu. Họ có thể dành nhiều ngày liên tục để hoàn thành các bản vẽ chi tiết kinh khủng. Với các bạn này, sau khi tốt nghiệp ( hoặc ngay khi còn đang học ) đã có thể nhận vẽ diễn họa thuê cho các CTY thời trang, các cá nhân có nhu cầu thể hiện lại các ý tưởng thiết kế của họ. Sau nhiều năm kinh nghiệm, họ cũng có thể mở lớp hướng dẫn cho mọi người có chung sở thích.
 
3. Là chuyên viên thiết kế thời trang:
 
Đầu tiên phải chỉ rõ ra rằng, sau khi tốt nghiệp các khóa học thiết kế thời trang không phải chúng ta đã trở thành Nhà thiết kế (NTK). Hiện nay, có một số lượng không nhỏ các bạn trẻ, biết vẽ, biết cắt may cũng tự dán cho mình danh xưng: nhà thiết kế thời trang. Thiết nghĩ, danh hiệu này sẽ chỉ đến với người thực sự có tài năng và được chính Xã hội ghi nhận thông qua các cuộc thi uy tín, các đóng góp không mệt mỏi của họ với cộng đồng. Ngay cả khi bạn tốt nghiệp trường ĐH, Khoa thời trang thì các bạn cũng chỉ nhận được dòng chữ: Cử nhân mỹ thuật – Ngành thời trang trên bằng tốt nghiệp mà thôi.
 
Vậy trở về trọng tâm, các bạn sẽ đảm nhiệm vai trò nhân viên thiết kế tại phòng mẫu – phòng thiết kế tại các CTY thời trang. Nhiệm vụ của bạn là làm việc dưới sự chỉ đạo của Sếp hoặc Giám đốc sáng tạo (nếu có), công việc là triển khai thiết kế đúng theo định hướng mà cấp trên vạch ra nhằm thỏa mãn mục đích về sản phẩm mà ban lãnh đạo đã nhắm tới chứ không phải thích làm gì thì làm theo suy nghĩ bản thân. Ngoài ra, bạn phải kết nối tốt với bộ phận Kỹ thuật, sản xuất để sao cho sản phẩm cuối cùng đúng như ý tưởng mà bạn hình dung trong đầu.
 
Sau khi học xong thiết kế thời trang bạn có thể trở thành một chuyên viên thiết kế thời trang
 
4. Chuyên viên kỹ thuật:
 
Có những người ngay từ đầu đã đam mê theo hướng tự mình tạo ra các sản phẩm Thời trang với những kỹ thuật tuyệt hảo. Vì thế, họ gắn cuộc đời của mình vào cây kéo và luôn muốn sở hữu những nhát cắt “thần thánh”. Lựa chọn của những bạn này cũng làm việc tại các phòng Kỹ thuật hoặc phòng Thiết kế của các CTY thời trang. Nhiệm vụ của các bạn giờ đây chính là biến các bản vẽ thiết kế Thời trang của các chuyên viên thiết kế thành những sản phẩm mẫu để lãnh đạo duyệt, chỉnh sửa trước khi quyết định chuyển xưởng SX hàng loạt. Sau nhiều năm làm việc có thâm niên vững vàng cộng với việc học thêm trau dồi kiến thức họ có thể mở lớp dạy nghề nho nhỏ để chia sẻ kiến thức ngoài giờ làm việc.
 
 
5. Mở xưởng sản xuất:
 
Rất nhiều người tìm đến với nghề thời trang đã bộc lộ tình yêu với việc sản xuất hàng loạt trang phục để phục vụ thị trường. Chính về thế, ngay khi còn trong giai đoạn học tập, họ đã đầu tư hết sức tâm huyết vào Cắt, May, chất liệu, phụ kiện, qui trình sản xuất các sản phẩm thời trang...Khi tốt nghiệp, cùng với sự chuẩn bị đôi chút về vốn liếng là đã bắt đầu có thể mở 1 cơ sở sản xuất nho nhỏ là tiền thân của một xưởng sản xuất qui mô vài trăm máy móc, thiết bị sau này. Lúc này, với chuyên môn được đào tạo sẽ giúp bạn rất hiệu quả trong việc quản lý hệ thống cũng như kiểm soát sản phẩm.
 
6. Trợ lý giám đốc điều hành:
 
Rất nhiều công ty thời trang, các startup thời trang họ có kiến thức về kinh doanh, thị trường, họ có tài chính nhưng lại chẳng có mấy hiểu biết về sản phẩm. Lúc đầu, bạn vào công ty thường với vai trò nhân viên thiết kế hoặc nhân viên kỹ thuật. Tuy nhiên, sau một quãng thời gian, sếp của bạn mới nhận ra rằng qui trình làm việc hoặc các sản phẩm đang có vấn đề bởi sếp không rành về sản xuất thời trang. Hơn bao giờ hết, họ muốn tìm kiếm một trợ thủ đắc lực có thể tin tưởng giao phó một phần công việc kiểm soát cũng như tạo ra sản phẩm. Lúc này chính là cơ hội tốt nếu bạn tự tin vào khả năng bản thân cũng như là một người làm việc có tâm, bạn sẽ là ứng viên phù hợp đấy.
 Hãy hình dung bạn sẽ là người vẽ thiết kế hoặc tìm kiếm mẫu thiết kế cho công ty, sau đó trực tiếp cắt và may test sản phẩm mẫu, lên định mức vật tư..v..v. Hàng sẽ giao cho xưởng SX theo mẫu rồi quay trở lại CTY và bạn cùng nhóm kiểm hàng sẽ đánh giá xem chất lượng có đạt hay không. Cũng khá vất vả, nhiều việc cần làm, nhưng năng động, được mọi người tôn trọng và có chỗ đứng trong doanh nghiệp đấy. Khi công việc CTY đã ổn định trở lại, tất nhiên sếp sẽ phải thuê thêm nhân viên làm các phần việc mà bạn đang “ôm đồm” và đương nhiên lúc này bạn sẽ là trưởng nhóm có tiếng nói quan trọng. Bạn cũng sẽ không làm trực tiếp nhiều nữa mà vai trò chính lúc này là đánh giá chất lượng công việc của các nhân viên, xưởng sản xuất để tư vấn có lợi cho lãnh đạo.
 
 Một trợ lý giám đốc hoặc một stylish cũng là một lựa chọn cho các bạn yêu nghề thời trang khi học xong
Sau khi học xong thiết kế thời trang bạn cũng có thể thử thách với trợ lý giám đốc điều hành hoặc một stylish
 
7. Trở thành Stylish:
 
Được đào tạo về thiết kế thời trang, tuy nhiên nhiều bạn lại cảm thấy mình lại phù hợp với công việc tư vấn làm đẹp hơn so với việc trực tiếp tạo ra các trang phục, vì thế có nhiều bạn đã dùng hiểu biết về thời trang kết hợp với các kiến thức khác như: Tóc, Trang điểm, Phối hợp màu sắc..và trở thành 1 stylish. Họ hoạt động dưới nhiều hình thức, nhưng đa phần là tự do kết hợp làm việc cùng với các cá nhân, studio, các show diễn...
 
8. Đi du học:
 
Mục tiêu này không phải là phát sinh sau khi học mà thường đã được lên kế hoạch trước khi học thiết kế thời trang trong nước. Mục đích các bạn tham gia các khóa học tại Việt Nam trước là để trải nghiệm bản thân xem có thực sự phù hợp để dấn thân vào cuộc chơi lớn hơn hay không. Ngoài ra, tự trang bị kiến thức căn bản, tâm lý trước khi phải đối mặt với những thử thách ở nơi “ xứ người”: rào cản ngôn ngữ, chi phí ăn học..v..v
 
9. Nhà thiết kế thời trang
 
Khỏi phải nói, thì đây chính là ước mơ mạnh mẽ nhất đối với tất cả các bạn đến với học thiết kế thời trang. Để trở thành nhà thiết kế cũng đòi hỏi các bạn “ có nhiều “ nhất các kỹ năng và tố chất cũng như thẩm mỹ. Những ngày đầu bước chân vào nghề còn bỡ ngỡ, rồi sau đó sẽ tham gia các cuộc thi lớn nhỏ, sẽ có một ngày may mắn có thể mỉm cười với khả năng của bạn: Bạn được một vài giải thưởng danh giá và có nhiều người biết đến. Thật tuyệt diệu !!!
 
 Giấc mơ thành thành nhà thiết kế thời trang nổi tiếng
Trở thành một nhà thiết kế thời trang là một giấc mơ mà nhiều người theo đuổi
 
Trên đây là một số phân tích (có thể chưa đầy đủ) để giúp các bạn nói chung và các học viên DEC DESIGN EDUCATION (Decer) nói riêng sẽ có những lựa chọn phù hợp nhất với bản thân. Mỗi hướng đi đều có điểm mạnh, yếu khác nhau nhưng phù hợp với từng người. Chúng ta biết để không bị sai lầm ! Chúc các bạn may mắn trên con đường đã chọn !
 
#DEC: "Học để trở thành CHUYÊN NGHIỆP"